Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Một mô hình tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP ở Chợ Lách

bưởi da xanh, bưởi da xanh bến tre
Bưởi da xanh
Xã Hòa nghĩa, huyện Chợ Lách hiện có 1.038 ha diện tích vườn cây ăn trái, năng suất bình quân hàng năm đạt trên 12 ngàn tấn, tập trung các chủng loại: Nhãn tiêu huế, sầu riêng, bưởi da xanh

Riêng về bưởi da xanh, trong những năm qua nhờ thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả tăng cao, nhiều nông hộ trong xã mạnh dạng chuyển đổi cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng bưởi da xanh. Từ đó diện tích trồng bưởi da xanh của xã tăng lên đáng kể, tập trung ở các ấp: Nhơn Phú, Định Bình, Hưng Nhơn, Bình An… Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù diện tích bưởi da xanh tăng so với các loại cây ăn trái khác nhưng vấn đề sản xuất của nhiều nông hộ trong xã còn manh múng nhỏ lẻ, chưa tập trung thành vùng chuyên canh, sản xuất theo kinh nghiệm hộ gia đình nên năng suất còn thấp….

Từ đó nhiều nông dân trong xã có tâm quyết với cây bưởi da xanh, mong muốn tập họp nông dân trồng bưởi vào tổ liên kết để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP xã Hòa Nghĩa ra đời vào tháng 6 năm 2009, đặt tại ấp Định Bình, đáp ứng với nguyện vọng của người dân trồng bưởi.

Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Hòa Nghĩa ra đời nhằm mục đích nâng cao chất lượng trái bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn GAP. Thông qua sự hợp tác, đoàn kết tương trợ giúp nhau trong kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo quản tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh tạo nguồn thương hiệu tập trung góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng cường năng lực cạnh tranh cuả trái cây Chợ Lách nói chung và trái cây xã Hòa Nghĩa nói riêng trên thị trường.
              
Tổ hiện có 40 tổ viên với 30 ha diện tích trồng bưởi da xanh. Trong đó, hộ trồng ít nhất là 2.000 mét vuông và cao nhất là 10.000 mét vuông. Tổ trưởng-Cổ Thượng Lộc cho biết: “Khi thành lập tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh, trước đó đã thành lập tổ nghề nghiệp bưởi da xanh, nhưng quy mô sinh hoạt và tập hợp hội viên tham gia còn ích chỉ có 18 thành viên. Tổ không đề ra quy chế hay nội quy, nên vấn đề sinh hoạt còn nhiều lỏng lẻo. Từ khi thành lập tổ liên kết, hội viên nông dân ở các ấp trong xã đăng ký tham gia ngày càng nhiều, tạo ra sinh khí sôi nổi trong các lần hợp tổ”.

Qua hơn 1 năm thành lập, Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Hòa Nghĩa, đạt nhiều kết quả quan trọng mà điển hình có được quy trình cơ bản chung cho việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP. Sau khi thành lập tổ, năng suất chất lượng trái bưởi da xanh của các tổ viên nâng lên đáng kể đặc biệt đáp ứng được tiêu chuẩn trái cây sạch an toàn, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Trước đây những hộ trồng bưởi da xanh trong ấp phải chạy vạy khắp nơi hỏi thăm giá cả để bán, ngày nay khi đến vụ thu hoạch thương lái đến tận vườn để mua mà nông dân không sợ bị ép giá.

Bên cạnh những lợi ích về thông tin giá cả thị trường, tham quan học tập các mô hình làm kinh tế hiệu quả nhờ trồng bưởi da xanh trong và ngoài huyện..., các tổ viên trong tổ liên kết còn nhận thấy đây là một mô hình thiết thực vì nó giúp ích cho tổ viên trong việc tiếp cận các thông tin về kiến thức khoa học kỹ thuật trong vấn đề chăm sóc, bón phân, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ… do cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Trạm Bảo vệ Thực vật Trạm Khuyến nông… tổ chức và trao đổi những kinh nghiệm với các nhà vườn trồng bưởi.

Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Hòa Nghĩa được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chọn thực hiện mô hình tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP. Mục đích nhằm giúp nông dân sản xuất đồng bộ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn chất lượng cao, cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước…

Việt Gap là một quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam, có nghĩa nông sản làm ra phải đáp ứng yêu cầu sạch, an toàn và muốn có thực phẩm sạch, thì nó phải sạch từ khâu đầu tiên (nuôi, trồng). Vấn đề là việc chọn đất để trồng, nước để tưới, phân để bón, thuốc để bảo vệ thực vật, thu hoạch, sau thu hoạch… tất cả đều phải tuân theo một quy trình nghiêm nhặt.

Để giúp thành viên tổ liên kết nắm vững quy trình này, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thường xuyên quan tâm theo dõi và cử cán bộ đến tập huấn hướng dẫn các kiến thức khoa học kỹ thuật, trong vấn đề chọn giống bón phân, hướng dẫn cách làm nhà vệ sinh tự hoại hạn chế ô nhiễm môi trường, xây nhà kho chứa phân bón, có chỗ nơi cất giữ dụng cụ làm vườn...

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách nhận xét: “Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Hòa Nghĩa từ khi thành lập đến nay hoạt động khá tốt, các tổ viên đoàn kết trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ, qua các lần kiểm tra đánh giá có thể xem đây là mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng”. 





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Translate